Nước Javen không còn là cái tên xa lạ trong cuộc sống hàng ngày đối với mỗi chúng ta. Nó được sử dụng để tẩy trắng quần áo, khử trùng nướ...
Nước Javen không còn là cái tên xa lạ trong cuộc sống hàng ngày đối với mỗi chúng ta. Nó được sử dụng để tẩy trắng quần áo, khử trùng nước sinh hoạt, sát khuẩn các khu vực chăn nuôi, nhà vệ sinh,…Vậy nước Javen là gì, tại sao chúng có khả năng tẩy màu, sát khuẩn, phương pháp xử lý nước trong lũ lụt bằng nước Javen và cần lưu ý những gì khi sử dụng nước Javen. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để giải đáp những câu hỏi đó nhé!
Tìm hiểu chung về nước Javen khử trùng
Javel (Sodium Hypochloite) hay là nước Javen là hỗn hợp chất lỏng được tạo ra từ việc khí sục Cl2 dư vào dung dịch NAOH. Phản ứng tạo ra hai muối NaCl và NaClO hay chính là nước Javen.
Cl2 + 2NaOH → NaCl + NaClO + H2O
Muối NaClO là muối của axit yếu hipocloro, trong không khí nó dễ dàng tác dụng với CO2 tạo thành axit hipocloro. Đây là một axit có tính oxi hóa rất mạnh.
Trong hợp chất muối NaClO, Clo có số oxi hóa +1, do đó Clo có khả năng oxi hóa mạnh các chất để trở về số oxi hóa thấp hơn.
Ngoài ra, trong hợp chất NaClO có nguyên tử Oxy, đây cũng là một nguyên tử có tính oxy hóa mạnh.
Các vết mực, vết màu dính trên sợi vải, vật liệu thường là các hợp chất phức hữu cơ có các liên kết đôi “=” hay liên kết cho nhận kém bền, nhờ tính oxi hóa mạnh của phân tử muối NaClO, các liên kết của hợp chất phức tạo màu bị phá vỡ từ đó phá vỡ các sắc tố màu sắc của vật chất. Đó là lý do vì sao nước Javel có tính tẩy màu và sát trùng.\
Khi sử dụng nước Javen, chúng ta hay ngửi thấy mùi hắc. Vậy lý do là gì?
Trong môi trường axit, NaClO phản ứng theo phương trình
NaClO + 2HCl → NaCl + Cl2+ H2O
Mùi hắc đó chính là mùi của khí Clo được tạo ra, đây là một khí cực độc, gây nguy hiểm cho những người hít phải.
Vậy quy trình sản xuất nước Javen như thế nào?
Hypoclorit được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1787 bởi Claude Louis Berthollet trong phòng thí nghiệm của ông trên bến cảng Javel ở Paris, Pháp. Tại đây, ông cho sục khí Clo vào dung dịch Natri cacbonat. Chất lỏng thu được, được biết là “Eau de Javel” hay nước Javen. Nó là một dung dịch Natri Hypoclorit yếu. Tuy nhiên phương pháp này không mang lại hiệu quả và người ta đã tìm ra phương pháp sản xuất khác mà được sử dụng cho tới ngày nay.
1. Trong phòng thí nghiệm
Nước Javen được điều chế bằng cách sục khí clo vào dung dịch NaOH loãng trong điều kiện nhiệt độ thường.
Cl2 + 2NaOH → NaCl + NaClO + H2O (hỗn hợp nước Javen)
2. Trong công nghiệp
Nước Javen được điều chế bằng cách điện phân dung dịch muối ăn Natri Clorua NaCl có nồng độ từ 15 – 20% trong thùng điện phân không có màng ngăn.
2NaCl + 2H2O → 2NaOH + H2 ↑ + Cl2 ↑
Khí Clo thoát ra ở điện cực anot tác dụng Natri Hidroxit NaOH tạo ra ở điện cực catot do thùng điện phân không có màng ngăn, tạo ra NaCl và NaClO, chính là hỗn hợp nước Javen.
Cl2 + 2NaOH → NaCl + NaClO + H2O
Nồng độ nước Javen có ảnh hưởng như thế nào đến công dụng tẩy rửa?
Nước Javen có nồng độ 12% – 15%: Được sử dụng để tẩy sản, xử lý nước bị nhiễm bẩn hoặc nước lấy trong tự nhiên. Tùy theo mức độ nhiễm bẩn của nước mà dùng nồng độ nước Javen phù hợp, lưu ý sau khi xử lý nước, phải đảm bảo nồng độ Clo trong nước thành phẩm không vượt quá những tiêu chuẩn cho phép đối với Clo có trong nước ăn, uống. Nếu ngửi thấy mùi hắc của Clo trong nước có nghĩa là nồng độ nước Javen được sử dụng ban đầu là dư thừa.
Nước Javen có nồng độ 1% – 6%: Được sử dụng để tẩy trắng sợi vải, quần áo trang phục bảo hộ lao động, ga trải giường,… Nếu dùng nước Javen có nồng độ cao, vải sẽ bị ăn mòn, làm bục, rách sợi vải.
Nước Javen có nồng độ 30%: Được sử dụng để làm sạch, sát trùng, diệt khuẩn các chất lỏng như nước trong hồ bơi, nước nhà vệ sinh, nơi lắng đọng nước bẩn.
Nước Javen có nồng độ 0.025%: Được sử dụng để sát khuẩn nước uống. Yêu cầu là phải diệt sạch vi khuẩn để có thể uống ngay được mà không cần đun sôi. Đặc biệt trong những trường hợp thiên tai lũ lụt, sử dụng nước Javen có nồng độ thấp là giải pháp nhanh chóng và đạt hiêu quả cao nhất trong việc xử lý nước, cung cấp nước sạch cho người dân (tỷ lệ pha 1 lít Javen /4000 lít nước).
Quy trình xử lý nước phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt khi xảy ra lũ lụt
Trước khi xảy ra lũ lụt, một lượng lớn dung dịch nước Javen được sản xuất để các cơ sở y tế chuẩn bị dự trữ cho việc khử trùng nước và vệ sinh môi trường. Dung dịch Javen sau khi sản xuất được cất giữu trong các can, bình nhựa mờ (tối màu thì càng tốt).
Đối với nước được lấy từ mạch nước ngầm tại các giếng khoan, nồng độ Clo dùng cho khử trùng dao động trong khoảng 1g Clo hoạt tính với một mét khối nước. Tuy nhiên, đối với nước khi xảy ra lũ lụt, nước bị nhiễm TDS tức tổng chất rắn hòa tan nên có độ đục cao, có chứa nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm, gây nên các bệnh với hệ tiêu hóa thì cần sử dụng một lượng lớn nước Javen để khử trùng, sát khuẩn.
Hàm lượng Clo khi đó dao động trong khoảng 2 – 3g Clo hoạt tính cho một mét khối nước lũ sau khi đã được xử lý bằng các phương pháp lắng, lọc. Nước Javen được sản xuất theo công nghệ điện hóa trên thiết bị GIAVANG 30 có nồng độ Clo hoạt tính 6 – 7g/l. Do đó, 1l Javen có thể khử trùng được khoảng 2 – 3 mét khối nước phục vụ cho sinh hoạt.
Tuy nhiên cần lưu ý là tỷ lệ này được sử dụng khi Javen được sản xuất theo công nghệ điện hóa trên thiết bị GIAVANG 30 có nồng độ Clo hoạt tính 6 – 7g/l. Mỗi thiết bị điều chế Javen khác nhau cho sản phẩm Javen với hàm lượng Clo hoạt tính khác nhau. Do đó khi dùng nước Javen được điều chế từ các loại thiết bị khác cần tính toán hàm lượng Clo sử dụng sao cho phù hợp.
Cách khử trùng, sát khuẩn nước sinh hoạt trong mùa lũ được thực hiện như sau:
– Xác định lượng nước Javen cần dùng theo công thức 1l Javen (nồng độ clo hoạt tính 6 – 7g/l) có thể khử trùng được khoảng 3 mét khối nước sinh hoạt đã qua lắng lọc.
– Đổ lượng nước Javen đã tính toán vào các thùng, bể,… chứa lượng nước tương ứng, dùng que sạch khuấy cho Jave tan đều vào trong nước.
– Múc nước lên ngửi, nếu thấy có mùi Clo thì đạt yêu cầu. Sau khi khử trùng khoảng 30 phút, nước có thể sử dụng được.
Lưu ý:
– Không tiến hành khử trùng đồng thời với hoạt động đánh phèn vì phèn hoặc các chất hữu cơ trong nước sẽ hấp thụ hết Clo hoạt tính và làm mất tác dụng khử trùng của Clo.
– Sau khi khử trùng, sát khuẩn, nước thành phẩm phải có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
– Nếu lỡ cho quá nhiều nước Javen thì cần đổ thêm một lượng nước chưa qua khử trùng tương ứng để giảm hàm lượng Clo trong nước, chờ thêm 30 phút nữa thì mang nước ra sử dụng.
Những lưu ý cần biết khi sử dụng nước Javen?
– Người dưới 18 tuổi và nhạy cảm với khí Clo không được làm việc với dung dịch nước Javen. Nước Javen và các chất do Javen sinh ra gây kích ứng da, hại mắt, độc cho thần kinh, gây ung thư nên khi sử dụng cần mang các phương tiện bảo hộ lao động như bộ lọc khí, kính mắt bảo vệ, găng tay cao su vì.
– Khi sử dụng nước Javen ( nồng độ 12% – 15%) để làm sạch sàn nhà, cần phải mở hết tất cả các cửa phòng, cho người ra khỏi phòng trước khi dùng nước Javen. Nếu dùng nước Javen có nồng độ lớn hơn 15% sau khi sử dụng cần phải dùng nhiều nước để lau sạch hết lượng Javen thừa cũng như các tạp chất trong Javen còn sót lại, bám trên mặt sàn. Sử dụng quạt để đuổi hết hơi Clo dư thừa và các dạng Clo hữu cơ rồi mới đưa người trở lại phòng. Ở những khu vực không thể đưa người ra khỏi phòng như buồng bệnh, không sử dụng nước Javen để lau sàn mà chỉ sử dụng nước sinh hoạt bình thường.
– Sau khi sử dụng Javen để tẩy vết bẩn trên quần áo và những đồ dùng bằng vải, để hạn chế, tránh việc vải bị bào mòn, mục rách, nên dùng thêm dung dịch axit nhẹ như axit acetic để loại bỏ xút NaOH dư thừa trong tạp chất nước Javen.
– Không được để nước Javen tiếp xúc, bám vào các vật dụng bằng kim loại như máy móc, giường sắt vì chúng sẽ khiến kim loại bị ăn mòn.
– Trong các phòng kỹ thuật, thí nghiệm hóa học, xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm vi sinh… thường có axit, nước oxy già H2O2, amonihydroxid NH4OH vương vãi trên sàn nhà, bàn làm việc. Cần làm sạch những chất này bằng nước sạchtrước khi sửu dụng nước Javen, tránh trường hợp nước Javen sẽ tác dụng với những chất này sinh ra các chất độc.
– Các thiết bị điều chế Javen phải được đặt trong phòng thoáng khí. Cần đậy kín nắp các bồn chứa đựng nước Javen, tránh để khí thoát ra, đối với những người bệnh, cần tuyệt đối tránh xa khu vực sản xuất Javen.
– Các thùng chứa dung dịch có Javen để khử trùng các thiết bị, dụng cụ y tế cần phải đậy nắp kín và dán nhãn.
– Tuyệt đối không được trộn lẫn dung dịch nước Javen với các chất khử trùng khác cũng như các sản phẩm axit và amoniac, tránh nguy cơ hình thành khí độc Clo.
– Các thùng, chai, lọ chứa nước Javen cần được bảo quản ở nơi mát mẻ và không ánh sáng, không để trong các kho chứa axit, kho chứa các chất dễ bay hơi vì Javen có khả năng sẽ phản ứng với các chất này nếu thoát ra ngoài. Đồng thời để chúng tránh xa nơi lưu giữ các loại dược phẩm khác nhau, xa tầm với của trẻ em.
– Nước sinh hoạt, nước uống hiện nay đa phần là nước máy đã được khử trùng, sát khuẩn bằng nước Javen với nồng độ Clo trong nước đạt tiêu chuẩn quy định. Nếu ngửi thấy nước có mùi Clo nặng tức là nước nước đã vượt quá nồng độ Clo cho phép. Tuyệt đối không được uống trực tiếp nước này mà phải để cho mùi Clo tự bay hoặc đun sôi để hơi Clo bay đi hết rồi mới sử dụng, tránh trường hợp bị ngộ độc Clo.
BÌNH LUẬN